Tin hoạt động

Hội thảo TCVN 10304:202X – Thiết kế móng cọc

Ngày tạo : 22/10/2024

Ngày 18/10/2024, tại trụ sở Viện, Vụ Khoa học công nghệ xây dựng phối hợp với Viện Khoa học công nghệ xây dựng tổ chức Hội thảo TCVN 10304:202X – Thiết kế móng cọc nhằm mục đích giới thiệu, trao đổi và xin ý kiến các chuyên gia về một số nội dung liên quan đến tiêu chuẩn.

Tham dự Hội thảo về phía Bộ Xây dựng có TS. Lê Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường; về phía Viện KHCN Xây dựng có TS. Nguyễn Hồng Hải, Viện trưởng, TS. Đinh Quốc Dân, Phó Viện trưởng, PGS. TS. Nguyễn Bá Kế, nguyên Viện trưởng, PGS. TS. Đoàn Thế Tường, nguyên Phó Viện trưởng; về phía khách mời và các đơn vị tư vấn có ông Lê Văn Dương, Vụ trưởng vụ Khoa học công nghệ - Bộ Giao thông Vận tải; ông  Nguyễn Xuân Hải, Phó Giám đốc Tổng Công ty tư vấn xây dựng Việt Nam – VNCC; ông Phùng Tiến Trung Phó Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn Xây dựng Công nghiệp và Đô thị Việt Nam (VCC); ông Nguyễn Mạnh Trường Phó tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Thiết kế Xây dựng Việt Nam (CDC), Các: giáo sư, chuyên gia cao cấp, thầy, giảng viên, kỹ sư, nhà tư vấn đến từ các Đơn vị tư vấn, trường Đại học Xây dựng, trường Đại học Kiến trúc, trường Đại học Việt – Nhật và các chuyên gia, cán bộ của Viện.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

TS. Đinh Quốc Dân, Phó Viện trưởng phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đinh Quốc Dân, Phó Viện trưởng cho rằng TCVN 10304:202X – Thiết kế móng cọc là tiêu chuẩn quan trọng, bản lề của ngành Địa kỹ thuật, có tác động rất lớn, sâu rộng chính vì vậy Viện và Vụ Khoa học công nghệ và môi trường – Bộ Xây dựng rất quan tâm. Tính chất cũng như thay đổi của tiêu chuẩn đặc biệt trong giai đoạn khi hệ thống từ Quy chuẩn đến tiêu chuẩn liên quan có những thay đổi rất lớn nên việc soát xét, biên soạn có ý nghĩa lớn trong việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn thiết kế hiện hành trong đó có tiêu chuẩn thiết kế móng cọc. Những nội dung thay đổi đòi hỏi sự đồng bộ giữa tải trọng bên trên cũng như bên dưới. Hội thảo có ý nghĩa quan trọng cũng là diễn đàn cho các nhà khoa học, chuyên gia, đồng nghiệp góp ý và mong các chuyên gia có có những đóng góp xác đáng giúp cho dự thảo tiêu chuẩn sau khi ban hành đi vào cuộc sống.

 

TS. Lê Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường phát biểu tại Hội thảo

 

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường – Bộ Xây dựng cho biết thêm hệ thống một số Quy chuẩn sửa đổi và ban hành kèm theo các tiêu chuẩn đi kèm; lộ trình triển khai ban hành tiêu chuẩn vào cuối năm 2024. TCVN 10304:202X – Thiết kế móng cọc là tiêu chuẩn rất quan trọng trong những năm qua đã nghiên cứu điều chỉnh do tác động khách quan và chủ quan. Trong quá trình sửa đổi, nhóm nghiên cứu đã phải xem xét đến các tiêu chuẩn liên quan để gắn vào nhau do đó không tránh khỏi những ý kiến về nội dung của tiêu chuẩn cũ.

Thay mặt nhóm đề tài, TS. Trần Huy Tấn cho biết TCVN 10304:2014 – Móng cọc – Tiêu chuẩn thiết kế được xây dựng trên cơ sở tham khảo SP24.13330:2011, tuy nhiên tiêu chuẩn gốc của Nga SP24.13330:2011 đã có sửa đổi và các tiêu chuẩn tham chiếu cũng có thay đổi. Sau khi ban hành TCVN 10304:2014 – Móng cọc – Tiêu chuẩn thiết kế vài năm ở Việt Nam, tiêu chuẩn đã gặp phải một số vướng mắc, như các vấn đề liên quan đến tính sức chịu tải cọc có chiều sâu lớn hơn 35m; quy định tính sức chịu tải cọc theo số lượng hố khoan; vấn đề lựa chọn hệ số độ tin cậy, vấn đề cọc tựa lên đá cũng như một số vấn đề khác trong kết quả tính toán độ lún của cọc. Chính vì vậy sự ra đời của TCVN 10304:202x là rất cần thiết và quan trọng. TCVN 10304:202x được xây dựng dựa trên tham khảo SP 24.13330.2021 và có tham khảo tiêu chuẩn AIJ 2019 của Nhật Bản về xác định sức chịu tải của cọc theo thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn (SPT). Bên cạnh việc  kế thừa các nội dung từ TCVN 10304:2014 đồng thời có cập nhật, sửa đổi, bổ sung một số điểm mới như: cập nhật cấp hậu quả của công trình theo QCVN 03:2022/BXD; số liệu điều kiện tự nhiên theo QCVN 02:2022/BXD; phân loại đất, đá xây dựng theo TCVN 5746:2024; thay thế hệ số độ tin cậy về tầm quan trọng của công trình  lớn hơn các giá trị tối thiểu nêu trong TCVN 2737:2023; bổ sung nội dung về cọc trong nền đá; điều chỉnh công thức tính biến dạng dọc trục của cọc; làm rõ tải trọng dùng để thử tải tĩnh cọc; bổ sung số liệu cho cọc dài đến 40 m và dài hơn; cập nhật công thức tính độ lún của nhóm cọc; cập nhật yêu cầu cấu tạo của móng cọc cho phù hợp với TCVN 5574:2018, 5575:2024; cập nhật thông tin về sức chịu tải của cọc theo SPT theo AIJ 2019; điều chỉnh một vài ký hiệu,... Các chuyên gia đã trao đổi, góp ý một số nội dung về một số thuật ngữ, công thức tính toán... để dự thảo tiêu chuẩn hoàn thiện đạt yêu cầu đã đặt ra.

Sau Hội thảo, nhóm nghiên cứu sẽ xem xét tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo để trình thẩm định, sớm ban hành tiêu chuẩn.

 

Các tin liên quan