Ban hành Quy chế đào tạo trình độ Tiến sĩ của Viện KHCN Xây dựng
Ngày tạo : 10/11/2016
Quy chế đào tạo tiến sĩ được ban hành theo Quyết định số 1795 ngày 11/11/2016 của Viện trưởng Viện KHCN Xây dựng. Quy chế có hiệu lực kể từ ngày 11/11/2016 và thay thế Quy chế ban hành năm 2013.
Quy chế này quy định về đào tạo tiến sĩ của Viện KHCN Xây dựng, được xây dựng trên cơ sở Quy chế đào tạo tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07/05/2009 và Thông tư số 05/2012/TT-BGDĐT ngày 15/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo. Những nội dung đã có trong Thông tư 10, Thông tư 05 và các quy định chung khác có liên quan do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành không được đề cập trong Quy chế này.
Quy chế gồm các chương: Tuyển sinh; Chương trình đào tạo; Tổ chức đào tạo; Luận án và bảo vệ luận án; Tổ chức thực hiện;…
Quy chế cũng làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Viện Thông tin, đào tạo và tiêu chuẩn hóa và các Đơn vị chuyên môn tại Điều 12 và Điều 13, cụ thể như sau:
Điều 12. Viện Thông tin, đào tạo và tiêu chuẩn hóa (Viện TTĐT&TCH)
1. Viện TTĐT&TCH là đơn vị giúp Viện trưởng thực hiện tổ chức và quản lý công tác đào tạo tiến sĩ.
2. Nhiệm vụ của Viện TTĐT&TCH được quy định như sau:
- Giúp Viện trưởng kiểm tra đôn đốc việc thực hiện quy chế;
- Đề xuất và thực hiện các biện pháp tổ chức và quản lý công tác đào tạo tiến sĩ;
- Phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác tổ chức và quản lý đào tạo tiến sĩ;
- Xây dựng kế hoạch đào tạo tiến sĩ hàng năm và năm kế tiếp để Viện trưởng duyệt và đăng ký với Bộ Giáo dục Đào tạo; thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ cho Bộ Giáo dục Đào tạo (theo các mẫu báo cáo ở Phụ lục VIII), cho Viện trưởng và báo cáo thống kê lưu hàng năm của Viện gửi phòng Tổ chức- Hành chính;
- Soạn thảo các quy định, quy trình, hướng dẫn thực hiện đào tạo tiến sĩ;
- Tham gia tổ chức thực hiện công tác tuyển sinh; phối hợp với cơ sở đào tạo liên kết tổ chức cho NCS học các học phần chuyển đổi, học phần trình độ đại học, trình độ thạc sĩ;
- Phối hợp với các giảng viên lập kế hoạch giảng dạy; lập thời khóa biểu; tổ chức giảng dạy; xác nhận khối lượng giảng dạy cho giảng viên; tính thù lao giảng dạy cho các học phần trình độ tiến sĩ, quản lý quá trình và kết quả học tập, quản lý việc thi, cấp chứng chỉ và tổng hợp bảng điểm học tập của NCS; quản lý quá trình đào tạo cho đến lúc hoàn thành luận án;
- Hướng dẫn, liên hệ và hỗ trợ NCS gửi công bố kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước, đăng ký giải pháp hữu ích, phát minh sáng chế;
- Trình Viện trưởng xem xét quyết định việc chuyển cơ sở đào tạo của NCS; điều chỉnh, thay đổi tên đề tài luận án tiến sĩ; bổ sung hoặc thay đổi người hướng dẫn; gia hạn học tập hoặc chấm dứt, bảo vệ luận án tiến sĩ; thành lập Hội đồng chấm chuyên đề tiến sĩ, tiểu luận tổng quan; thành lập Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp cơ sở, cấp Viện;
- Tổ chức công bố công khai, cập nhật và duy trì trên trang web của Viện và của Bộ Giáo dục Đào tạo toàn văn luận án, tóm tắt luận án, những điểm mới của từng luận án (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) từ khi chuẩn bị bảo vệ, danh sách NCS hàng năm, các đề tài nghiên cứu đang được thực hiện, danh sách các NCS đã được cấp bằng tiến sĩ;
- Đề xuất với Viện trưởng về kế hoạch sử dụng các nguồn kinh phí đào tạo tiến sĩ;
- Quản lý thông tin về đào tạo tiến sĩ;
- Bảo quản và lưu trữ tại Viện các tài liệu, hồ sơ của các NCS, các văn bản của Viện liên quan đến công tác tuyển sinh, đào tạo, bảo vệ luận án và cấp bằng tiến sĩ.
Điều 13. Đơn vị chuyên môn
1. Đơn vị chuyên môn là đơn vị thuộc Viện được Viện trưởng quyết định cho tiếp nhận NCS; là nơi NCS thực hiện quá trình học tập, nghiên cứu khoa học và làm luận án. Các Đơn vị chuyên môn ứng với các chuyên ngành như sau:
- Kỹ thuật xây dựng công trình ngầm: Viện chuyên ngành Địa kỹ thuật.
- Kỹ thuật địa chất: Viện chuyên ngành Địa kỹ thuật.
- Kỹ thuật xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp: Viện chuyên ngành Kết cấu công trình xây dựng.
- Kỹ thuật vật liệu: Viện chuyên ngành Bê tông.
2. Trách nhiệm của Đơn vị chuyên môn:
- Được quy định tại Điều 28 Thông tư 10;
- Đề xuất Tiểu ban chuyên môn Hội đồng tuyển sinh trình Viện trưởng phê duyệt;
- Tổ chức để Tiểu ban chuyên môn xét tuyển NCS theo các yêu cầu xét tuyển quy định tại Điều 13 và Điều 14 Thông tư 10 (các mẫu tại Phụ lục III);
- Thông qua nội dung, đề cương học phần, chương trình giảng dạy các học phần tiến sĩ; cách đánh giá các học phần, các chuyên đề tiến sĩ và tiểu luận tổng quan;
- Xem xét, kiến nghị Viện trưởng việc gia hạn, chấm dứt hoặc bảo vệ sớm của NCS;
- Đề xuất danh sách các nhà khoa học trong và ngoài Viện có đủ điều kiện để hướng dẫn NCS; danh sách các nhà khoa học có thể đảm nhiệm vai trò phản biện và Hội đồng khi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện;
- Tổ chức biên soạn, soát xét và thông qua Hội đồng Khoa học Đào tạo trước khi trình Viện trưởng phê duyệt tài liệu giảng dạy học phần trình độ tiến sĩ theo các chuyên đề do Viện phân công;
- Đảm bảo điều kiện thực hành thí nghiệm cho các học phần do Viện phân công; tạo điều kiện cho NCS về mặt chuyên môn;
- Đề xuất danh sách Hội đồng cơ sở trình Viện trưởng phê duyệt; tổ chức để NCS bảo vệ Hội đồng cơ sở.
Để biết thêm thông tin chi tiết xin liên hệ:
Viện Thông tin, đào tạo và Tiêu chuẩn hóa – Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng; Email: nghiencuusinh.ibst@gmail.com, điện thoại: 0337561360.
Để biết thêm thông tin chi tiết bấm vào đây.