Thi công tu bổ di tích

Bảo tồn, phục hồi tổng thể di tích Ngọ Môn (giai đoạn 1)

Ngày tạo : 14/07/2015

Ngọ Môn là cổng chính của Hoàng Thành, là lễ đài trong phần lớn các lễ đại triều của triều Nguyễn, và là bộ mặt của Hoàng Thành. Ngọ Môn là công trình kiến trúc tiêu biểu nhất trong bốn cổng của Hoàng Thành, được xây dựng năm 1833 (sau khi triệt hạ Nam Khuyết Đài và Càn Nguyên Điện), khi vua Minh Mạng cho quy hoạch lại mặt bằng và hoàn chỉnh tổng thể kiến trúc khu Hoàng thành và Tử Cấm Thành.

Ngọ Môn vừa là cổng chính của Hoàng Thành, vừa là lễ đài dùng trong các lễ lớn của triều đình như lễ Ban sóc (phát lịch hàng năm), lễ Duyệt binh, lễ Truyền lô (xướng danh các tiến sĩ Tân khoa)… Đây là nơi diễn ra lễ thoái vị của vua Bảo Đại trao quyền lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời vào ngày 30/08/1945.
Năm 1923 dưới thời vua Khải Định, để chuẩn bị cho lễ Tứ tuần Đại khánh diễn ra vào năm 1924, Ngọ Môn được đại tu, toàn bộ lầu Ngũ Phụng được hạ giải để tu bổ. Và lần trùng tu quy mô lớn gần đây nhất là vào năm 1992-1993. Đến nay công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, các cấu kiện bị chuyển vị lớn phải chống đỡ gây mất mĩ quan và nguy hiểm cho du khách. Tổng thể kiến trúc Ngọ Môn chia làm hai phần: phần Nền đài ở dưới và Lầu Ngũ Phụng

Với cấu trúc và cách trang trí độc đáo, Ngọ Môn là công trình có kiến trúc đồ sộ, có chiều cao đáng kể nhưng người xưa đã tạo cho nó một vẻ đẹp thanh nhã, duyên dáng. Với những giá trị đó, có thể xếp Ngọ Môn vào hạng những công trình kiến trúc nghệ thuật xuất xắc nhất của triều Nguyễn nói riêng và kiến trúc cổ Việt Nam nói chung.

Các tin liên quan