Thi công tu bổ di tích

Lễ khánh thành công trình: Bảo tồn, tu bổ di tích Triệu Miếu - Đại nội Huế

Ngày tạo : 24/10/2016

Triệu Miếu là một ngôi Miếu có niên đại xưa nhất còn tồn tại và có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống các miếu thờ nhà Nguyễn, di tích với nhiều giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo trong Quần thể Di tích Cố đô Huế. Tính từ thời điểm xây dựng (1804) đến nay, Triệu Miếu đã trải qua hơn 200 năm với bao thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh nên di tích Triệu Miếu đã xuống cấp nghiêm trọng.

Phạm vi gói thầu thuộc dự án nằm ở trung tâm của khu vực Triệu Miếu giới hạn bởi tường thành phía Bắc và hệ thống tường thấp trổ lối vào ở ba phía còn lại. Tổng diện tích của khuôn viên trong gói thầu là 0,165ha (1.650m2), gồm một số hạng mục chính:

-        Miếu thờ chính Triệu Miếu có diện tích 540m2. Đây là công trình kiến trúc gỗ được xây theo kiểu nhà kép “Trùng thiềm điệp ốc”, Tiền điện gồm 5 gian và chính điện 3 gian, 2 chái bên Đông và Tây; Hai nhà được nối với nhau bằng kết cấu vì vỏ cua (trần thừa lưu). Mái lợp ngói âm dương hoàng lưu ly, chân mái ngói câu đầu trích thủy hoàng lưu ly. Bờ mái, tường cổ diềm được đắp nổi phù điêu có gắn mảnh sành sứ. Các cấu kiện gỗ được sơn son truyền thống (trừ phần hậu chính điện sơn nhuộm màu gỗ); hoa văn họa tiết liên ba, bạo cột, cửa thượng song hạ bản được thếp vàng.

-        Tường và cổng: mặt Bắc được giới hạn bởi tường thành, ba phía còn lại là hệ thống tường thấp cao 1,2m, mỗi phía trổ một cổng.

-        Sân đường: có diện tích khoảng 300m2, sân trước và lối đi được lát gạch Bát Tràng.

-        Hệ thống thoát nước bề mặt sân;...

Công tác bảo tồn, tu bổ đã được Phân Viện KHCN Xây dựng Miền Trung thực hiện tuân thủ theo các nguyên tắc bảo tồn, trùng tu di tích gồm có: Phục hồi phần móng, phần nền; Phục hồi cấu kiện gỗ hệ khung, hệ mái gỗ; Phục hồi phần mái, phần sơn thếp; Phục hồi các đoạn tường cổng, sân đường, hệ thống thoát nước bề mặt sân,... Sau hơn 02 năm thực hiện, công trình Bảo tồn, tu bổ di tích Triệu Miếu đã hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo theo đúng yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và đủ điều kiện để đưa vào sử dụng.

Ngày 15 tháng 09 năm 2016, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Phân Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng Miền Trung đã tổ chức lễ khánh thành công trình và đưa vào sử dụng.

Các tin liên quan